Đôcutraiep, ông tổ thổ nhưỡng người Nga là người đầu tiên cho rằng đất được hình thành do sự tác động tổng hợp của 5 yếu tố: Đá mẹ, khí hậu, sinh vật, địa hình và thời gian.
Vai trò của con người trong sản xuất nông lâm nghiệp ngày càng góp phần to lớn vào sự hình thành đất. Bới vậy ngày nay phần lớn người ta coi đất được hình thành do 6 chứ không phải 5 yếu tố như quan điểm của Đôcutraiep.
Đá mẹ
Đá mẹ bị phong hoá thành mẫu chất, rồi thành đất. Như vậy rõ ràng đá mẹ là nguyên liệu đầu tiên của quá trình hình thành đất, vì vậy người ta còn gọi là nguyên liệu mẹ. Đá mẹ ra sao sẽ sinh ra đất mang dấu ấn của mình.
Ví dụ:
- Các loại đá macma axit có cấu trúc hạt thô, khó phong hoá tạo nên các loại đất có thành phần cơ giới nhẹ, tầng đất mỏng còn ngược lại các loại đá mẹ macma trung tính hay bazơ có cấu trúc mịn, dễ phong hoá thì tạo ra các loại đất có thành phần cơ giới nặng, tầng đất dày hơn.
- Những loại đất hình thành trên đá mẹ Gnai, Granit thường giàu K+ vì trong những loại đá đó giầu Mica, mà Mica bị phong hoá sẽ giải phóng ra K+ . Đất hình thành trên đá bazan thường giầu Mg+ , P2O5 vì loại đá này chứa nhiều Mg và Photphorit.
Tuy nhiên sự ảnh hưởng của đá mẹ đối với đất lớn nhất ở giai đoạn đầu, giai đoạn đất còn trẻ. Theo thời gian và môi trường mà đất tồn tại, cùng với sự tác động của con người vai trò của đá mẹ ngày càng lu mờ.
Ví dụ:
- Những vùng đất phát triển trên đá vôi đáng ra không chua nhưng đến nay có vùng đã chua thậm chí rất chua do bị xói mòn, rửa trôi nghiêm trọng.
Một số vùng đất cùng phát triển trên đá cát nhưng nay có tính chất rất khác nhau do quá trình canh tác rất khác nhau tại một số vùng.
Khí hậu
Khí hậu có sự tác động tới sự hình thành đất vừa trực tiếp thông qua nhiệt độ, lượng mưa, vừa gián tiếp thông qua sinh vật.
+ Nhiệt độ và lượng mưa là hai yếu tố quan trọng đầu tiên trong sự phong hoá đá, khoáng. Hai yếu tố này còn chi phối tất cả các quá trình khác trong đất: quá trình rửa trôi xói mòn, tích tụ, mùn hoá, khoáng hoá,... Cường độ, chiều hướng của chúng góp phần chi phối quá trình hình thành đất.
Lượng mưa ảnh hưởng lớn tới độ chua và hàm lượng kiềm trao đổi trong đất. Theo Jeny khi nghiên cứu đất vùng nhiệt đới (đảo Mabrikia) thì lượng mưa hàng năm càng tăng, độ pH và tổng các cation kiềm trao đổi càng giảm. Điều này giải thích lý do đất Việt Nam đặc biệt là đất rừng thường chua và độ no kiềm thấp
Trên trái đất có những đai khí hậu khác nhau: Hàn đới, ôn đới, nhiệt đới. Tại những đai đó, những sinh vật tương ứng được hình thành và bởi vậy xuất hiện những đai đất đi kèm. Điều đó nói lên vai trò của khí hậu với sự hình thành đất thông qua sinh vật.
Ví dụ:
- Vùng lạnh, khô đặc trưng là kiểu rừng lá kim nên hình thành đất podzol chua và nghèo dinh dưỡng.
- Vùng lạnh ẩm hình thành đồng cỏ hoặc rừng lá rộng ôn đới nên có đất đen ôn đới (Checnozom).
- Vùng nhiệt đới nóng ẩm hình thành loại rừng lá rộng, thường xanh nên có đất đỏ vàng.
Sinh vật
Sinh vật là yếu tố chủ đạo cho quá trình hình thành đất vì sinh vật cung cấp chất hữu cơ, yếu tố quan trọng nhất để biến mẫu chất thành đất. Đất là môi trường sôi động của sự sống, là địa bàn sinh sống của vi sinh vật, thực vật, động vật.
- Vi sinh vật:
Một gam đất chứa hàng chục triệu thậm chí hàng ti vi sinh vật. Trung bình 1 gam đất của Việt Nam chứa khoảng 60-100 x 106 vi Sinh vật, chúng có vai trò rất lớn đối với quá trình hình thành đất, cụ thể :
+ Cung cấp chất hữu cơ cho đất: Vi sinh vật là những sinh vật đi tiên phong, chúng là sinh vật đầu tiên sống trên mẫu chất và chết đi cung cấp lượng chất hữu cơ nhỏ nhoi nhưng vô cùng quý giá đầu tiên cho mẫu chất để biến mẫu chất thành đất.
+ Đóng vai trò quan trọng trong việc phân giải và tổng hợp chất hữu cơ: Cây chi có thể hút các dinh dưỡng từ đất dưới dạng các chất khoáng đơn giản do vậy các chất hữu cơ và ngay cả một số loại phân bón khi được bổ sung vào đất đều phải nhờ vi sinh vật phân giải cây mới có khả năng hấp phụ..Mặt khác trong quá trình phân giải chúng lại tổng hợp nên một dạng hữu cơ đặc biệt, rất quan trọng trong đất.đó là hợp chất mùn.
+ Cố định đạm từ khí trời: Trong đá mẹ, mẫu chất thiếu một yếu tố dinh dưỡng cơ bản đó là N. Vi sinh vật cố định đạm góp phần tạo ra đạm mà mẫu chất không có. Tuy nhiên ngoài mặt có lợi vi sinh vật đất còn có một số mặt hại như: Làm mất đạm, thải ra một số khí độc, làm giảm pH đất, gây bệnh cho cây. . . .
Thực vật
Thực vật đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành đất. Tuỳ theo thảm thực bì số lượng cũng như chất lượng chất hữu cơ trả lại cho đất khác nhau.Thường 1 ha rừng trả lại cho đất 10 tấn cành khô, lá rụng/năm, khoảng 80% lượng chất hữu cơ trong đất có nguồn gốc từ thực vật.
Một số loại thực vật được dùng làm cây chỉ thị cho một số tính chất đất. Ví dụ: Cây sim, mua chỉ thị đất chua; cây sú, vẹt chỉ thị cho đất mặn...
Tóm lại tác dụng của thực vật thể hiện ở các mặt sau:
+ Cung cấp chất hữu cơ, tăng hàm lượng mùn, cải thiện các tính chất lý, hoá và sinh học đất.
+ Tập trung dinh dưỡng ở tầng sâu lên tầng đất mặt.
+ Hút và trả lại cho đất các chất dinh dưỡng phù hợp hơn với thế hệ sau do hút dinh dưỡng có chọn lọc.
+ Che phủ mặt đất, chống xói mòn.
Động vật:
Có nhiều loại động vật sinh sống trong đất từ nguyên sinh động vật, giun, dế, kiến, mối đến chuột, dúi . . . . Tác dụng của chúng thể hiện qua các mặt sau:
+ Chúng chết đi cung cấp chất hữu cơ cho đất, tuy số lượng ít nhưng có chất lượng cao.
+ Chuyển hoá chất hữu cơ tạo thành các chất dễ tiêu cho cây.
+ Xới xáo làm cho đất tơi xốp. Đại diện như giun đất là "anh thợ cày " tích cực, 1 ha đất tốt có bón phân có thể có tới 2,5 triệu con giun.
Địa hình
Địa hình tác động đến quá trình hình thành đất thể hiện ở chỗ:
- Ở các vùng cao có nhiệt độ thấp hơn nhưng ẩm độ cao hơn. Càng lên cao xuất hiện nhiều cây lá nhỏ, chịu lạnh, đất có hàm lượng mùn tăng, quá trình feralít giảm. Đây là lý do các vùng cao như Đà Lạt, Mộc Châu, Sapa có khí hậu mát mẻ và đất có hàm lượng mùn khá hơn.
Địa hình còn làm thay đổi tiểu vùng khí hậu do nhiều nơi địa hình quyết định hưởng và tốc độ của gió, làm thay đổi độ ẩm, thảm thực bì của đất rất lớn. Do bị chắn bởi dãy Trường sơn mà một số vùng bị ảnh hưởng của gió phơn tây nam rất mạnh như: Hoà Bình, Lai Châu, Thanh Hoá, Nghệ An. . .
- Địa hình trong khu vực nhỏ trực tiếp góp phần phân.bố lại vật chất, làm thay đổi độ ẩm, nhiệt độ, độ tăng trưởng của sinh vật, sự vận chuyển nước trên bề mặt và trong lòng đất. Những nơi địa hình cao, dốc, nước chảy bề mặt nhiều, nước thấm ít, độ ẩm đất thấp hơn chỗ trũng. Do dòng chảy bề mặt lớn, đất bị xói mòn, rửa trôi xuống các vũng trũng nên các chỗ trũng, bằng phẳng thường có tầng đất dày hơn, hàm lượng dinh dưỡng khá hơn so với nơi dốc nhiều.
Thời gian
Từ đá phá huỷ để cuối cùng hình thành đất phải có thời gian nhất định. Thời gian biểu hiện quá trình tích luỹ sinh vật, thời gian càng dài thì sự tích luỹ sinh vật càng phong phú, sự phát triển của đất càng rõ. Người ta chia tuổi của đất thành 2 loại là: Tuổi hình thành tuyệt đối và tuổi hình thành tương đối.
Tuổi tuyệt đối: là thời gian kể từ khi bắt đầu hình thành đất đến nay (từ lúc xuất hiện sinh vật ở vùng đó đến nay).
- Tuổi tương đối: là sự đánh dấu tốc độ tiến triển tuần hoàn sinh học, nói lên sự chênh lệch về giai đoạn phát triển của loại đất đó dưới sự tác động của các yếu tố ngoại cảnh. Nói cách khác là chỉ tốc độ phát triển của đất. Có nhiều loại đất được hình thành cùng thời gian nhưng do các điều kiện ngoại cảnh tác động khác nhau mà có tuổi tương đối khác nhau. Có loại tuổi tuyệt đối rất trẻ nhưng nhiều nơi đất đã phát triền đến đỉnh cao của nó, biểu hiện ở hiện tượng kết von, đá ong.
Hoạt động sản xuất của con người
Hoạt động sản xuất của con người ngày nay đã trở thành yếu tố quyết định tới sự hình thành đất. Sự ảnh hưởng này phụ thuộc vào yếu tố xã hội và trình độ sàn xuất của con người.
Con người luôn tìm cách tác động vào đất để khai thác tiềm năng của nó và mang lại lợi nhuận tối đa cho mình.
Tất cả những hoạt động sản xuất như trồng rừng, khai thác rừng, đốt nương làm rẫy, định canh định cư, sử dụng phân bón, thuỷ lợi, . . . đều tác động không nhiều thì.ít tới sự hình thành đất. Những hồ thuỷ điện, hồ chứa nước cho nông nghiệp đã chi phối không nhỏ chiều hướng và tốc độ hình thành đất.
Tóm lại nếu sử dụng đất có ý thức bảo vệ và cải tạo thì đất sẽ ngày một tốt lên còn ngược lại nếu chỉ biết bóc lột thì đất nhanh chóng nghèo kiệt, thoái hoá.
Xem thêm: Canxi Bo, NPK 10-60-10, Enspray,...
THÔNG TIN LIÊN HỆ
HỆ THỐNG CỬA HÀNG VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO XUÂN NÔNG
Cửa hàng: 352C Đường 30/4, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, Tp.Cần Thơ.
Hotline: 0901 087 973 hoặc 0889 008 222 (zalo).