Chọn đất trồng cây phù hợp theo từng loại cây
Nhiều người khi bắt đầu trồng cây thường nghĩ rằng: Cứ mua bao đất trồng pha trộn sẵn, đổ vào chậu, cắm cây vào là xong. Nhưng rồi vài tuần sau, cây bắt đầu héo, lá vàng, rễ úng, hoặc ngừng phát triển dù bạn tưới nước đều, chăm sóc đúng lịch. Lúc đó bạn mới hoang mang: “mình sai ở đâu?”. Hãy cùng Xuân Nông tìm hiểu ngay nhé!
Nhóm 1: Cây lá màu, cây nội thất – ưa ẩm, ghét úng
Đây là nhóm cây thường trồng trong nhà như calathea, syngonium, aglaonema, fittonia… Đặc điểm chung là bộ rễ nhỏ, mảnh và rất nhạy cảm với độ ẩm.
Cây cần đất giữ được ẩm nhưng phải thoáng khí, không bị nén chặt hoặc giữ nước quá lâu. Nếu đất quá bí, không thoát nước tốt, rễ sẽ nhanh chóng bị úng hoặc nghẹt thở – dẫn đến tình trạng lá rũ, mềm, thối gốc.
Gợi ý công thức trộn đất: 40% đất sạch hữu cơ đã xử lý (đất tribat, đất trồng rau) + 30% xơ dừa đã xử lý hoặc vỏ trấu + 20% đá perlite hoặc trấu hun để tăng độ thoáng + 10% phân trùn quế hoặc phân bò hoai mục.
Lưu ý: Với nhóm cây này, việc thay đất định kỳ 6 tháng/lần rất quan trọng. Sau thời gian đó, đất dễ bị nén và mất độ tơi xốp.
Nhóm 2: Cây hoa thân thảo, cây có hoa nhiều – cần dinh dưỡng cao, thoát nước tốt
Các loài như hoa hồng, hoa cẩm chướng, hoa ly, hoa đồng tiền… Thuộc nhóm cây cần đất sạch và phải khỏe. Chúng phát triển mạnh, ra hoa liên tục trong thời gian dài nên cần lượng dinh dưỡng lớn, đồng thời những loài hoa này có rễ không chịu được ngập úng lâu.
Nếu đất không thoát nước tốt, cây sẽ bị thối gốc, nấm bệnh, giảm sức ra hoa. Nếu đất nghèo dinh dưỡng, cây không đủ sức nuôi nụ, hoa nhỏ hoặc ra hoa thưa.
Gợi ý công thức đất: 40% đất thịt nhẹ hoặc đất sạch dinh dưỡng cao.
30% phân hữu cơ (phân bò, phân gà, phân trùn quế). 20% tro trấu hoặc xơ dừa để điều hòa độ ẩm. 10% đá perlite để giúp tăng thêm khả năng thoát nước cho đất.
Gợi ý thêm: Có thể bổ sung thêm một ít vôi bột để giảm độ chua trong đất, rất phù hợp với các loại cây hoa lâu năm.
Nhóm 3: Cây ưa khô như: sen đá, xương rồng, cây không khí
Nhóm cây này sinh trưởng chủ yếu trong môi trường nắng gió, có bộ rễ ngắn, ít hút nước và rất dễ thối nếu gặp đất giữ ẩm quá lâu. Nhiều người trồng sen đá bằng đất trồng rau hoặc đất sạch thông thường, dẫn đến hiện tượng cây bị thối rễ âm thầm chỉ sau vài cơn mưa hoặc đợt tưới nước nhiều.
Đặc điểm đất cần: Thoát nước cực nhanh, khô nhanh sau tưới, nhẹ và nhiều khe hở.
Công thức đất phù hợp: 50% đá pumice, đá perlite hoặc sỏi nhẹ + 20% tro trấu hoặc đá nham thạch nghiền nhỏ + 20% đất sạch khô đã xử lý (không có phân tươi) + 10% phân trùn quế dạng bột.
Lưu ý: Không nên sử dụng xơ dừa, đất tribat hay trộn nhiều chất giữ ẩm cho nhóm cây này. Thà thiếu nước còn hơn bị úng.
Nhóm 4: Cây ăn trái trồng trong chậu
Các loại như ổi, chanh, táo, sung mini… Khi trồng trong chậu cần loại đất duy trì được độ tơi xốp lâu dài và tích lũy dinh dưỡng ổn định. Khác với cây ăn quả trồng đất vườn, cây ăn trái trồng trong chậu bị giới hạn không gian, nên càng cần công thức đất “dài hơi” Để không phải thay chậu quá thường xuyên.
Gợi ý công thức: 40% đất thịt pha cát (đã xử lý sạch) + 30% phân chuồng hoai mục (ủ cùng nấm đối kháng nếu có) + 20% xơ dừa + vỏ trấu để giữ ẩm nhẹ + 10% tro trấu hoặc đá nhỏ để tránh để đất bị nén.
Tóm lại, không phải ai mới chơi cây cũng biết trộn đất. Nhưng chính điều đó mới khiến hành trình trồng cây trở nên thú vị. Khi bạn bắt đầu quan sát rễ cây, thử nghiệm các công thức đất, và thấy cây phản hồi lại bằng sự phát triển – bạn sẽ thấy mình như đang trò chuyện với một sinh mệnh khác. Chọn đất đúng không phải để cây chỉ sống – mà là để cây sống khỏe, sống bền, sống đẹp.
Từ khóa: chọn đất như thế nào để thích hợp với cây trồng nước, cây trồng cạn, loại đất nào tốt nhất cho cây trồng, trong các loại cây trồng sau đây, cây nào không cần lên luống để trồng, các loại đất trồng cây cảnh, các loại đất trồng ở việt nam, nơi bán đất trồng cây gần đây, đất trồng cây cảnh trong chậu, chọn cây trồng phù hợp với từng loại đất.
BTV. Huỳnh Nha
(Sưu tầm)