Đu đủ hồng phi còn được gọi là đu đủ hồng phi đài loan, đu đủ đài loan hay đu đủ hồng phi đài loan ruột đỏ. Đây là giống cây mới, phát triển và sinh trưởng khá nhanh, đặc biệt là năng suất lớn, thu hoạch được liên tục. Do đó, trong những năm qua , đu đủ hồng phi ngày càng trở nên phổ biến, được bà con trồng nhiều, đem lại hiệu quả kinh tế lớn
So với những giống đu đủ khác, kỹ thuật trồng đu đủ hồng phi hơi phức tạp hơn một xíu. Tuy nhiên, nếu nắm được quy tắc thì chắc chắn sẽ thu được kết quả như mong đợi.
1. Thời vụ trồng đu đủ đài loan
Tương tự như đa số các giống đu đủ khác, đu đủ hồng phi có khả năng thích ứng với nhiều điều kiện khí hậu, thời tiết khác nhau. Do đó, loại cây này có thể trồng được quanh năm, trên khắp mọi miền đất nước. Mỗi năm, đu đủ hồng phi thường được trồng theo 2 mùa vụ chính, như vậy sẽ đem lại năng suất cao hơn:
Ở miền Bắc, đu đủ hồng phi thường được trồng vào mùa xuân từ khoảng tháng 2 đến tháng 4, và vụ thu thường được trồng vào tháng 9 đến tháng 10.
Miền Nam, thường trồng vào đầu mùa mưa từ khoảng tháng 4 đến tháng 5 và cuối mùa mưa, khoảng tháng 10 - tháng 11.
Miền Trung: cũng có 2 vụ là từ cuối tháng 12 - tháng 1 và vụ hè tháng 5 - 6.
2. Giai đoạn gieo hạt - ươm cây
Trong giai đoạn này gồm 2 quy trình khá quan trọng cần chú ý đó là xây dựng vườn ươm và gieo hạt cho cây.
Chuẩn bị giá thể / Làm sạch đất
Hạt giống đu đủ hồng phi có thể được gieo trong bầu đất, trên luống hoặc gieo trực tiếp vào các ụ đất đã được chuẩn bị trước đó.
Gieo hạt giống đu đủ trong bầu đất: Nên gieo hạt vào bầu đất có kích thước khoảng 12 x 15cm. Giá thể gieo hạt bao gồm đất sạch phối trộn cùng phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ theo tỉ lệ 2 : 1.
Gieo hạt trên luống: Nếu gieo hạt đu đủ trực tiếp xuống luống đất thì trước đó, bà con cần xử lý đất kỹ để đất thông thoáng, tơi xốp, sạch mầm bệnh. Đồng thời sử dụng phân hữu cơ bón lót để cung cấp thêm dinh dưỡng cho đất.
Chọn đất và xử lý hạt giống trước khi gieo
Xử lý hạt: Chọn hạt giống đu đủ hồng phi tốt, có thương hiệu uy tín, không bị lép và sâu bọ. Cũng như đa phần những loại hạt giống khác, trước khi gieo hạt, bạn cần ngâm hạt giống đu đủ hồng phi trong nước ấm khoảng 4 - 5 tiếng. Sau đó ủ với khăn ẩm đến khi hạt nức nanh thì đem gieo vào đất hoặc giá thể đã trộn sẵn.
Chọn đất: Cây đu đủ không chịu phèn, rễ mọc cạn, đu đủ nói chung và đu đủ hồng phi nói riêng là giống cây không chịu được ngập nước. Vì vậy chú ý chọn đất trồng ở những khu vực đất cao, có khả năng thoát nước tốt. Nếu ở vùng đồng bằng thì nên lên luống thật cao để tránh việc cây bị ngập úng. Cần chọn đất không phèn (pH = 5,5 – 6,5), tơi xốp, dễ thoát nước (giữ nước trong mương sâu 50 – 60 cm, cách mặt líp). Đất tốt, chứa nhiều dinh dưỡng ở lớp mặt.
3. Cách trồng đu đủ hồng phi
Mật độ gieo trồng: theo tỉ lệ hàng X hàng 2m - 2.5m; cây X cây 2m.
Đất trồng cần được cày sâu, lên luống cao, mặt luống rộng 1m, cao 0.4 - 0.5m. căn cứ vào khoảng cách để đào lỗ, bón phân lót rồi trộn đều với đất và đắp bằng. Cây đu đủ trước khi xuống giống 1 ngày phải tưới nước đầy đủ, lấy cây trong bầu ra rồi trồng xuống đất ngay thẳng, mỗi hốc trồng 1 cây, sau đó tưới nước. Đối với mặt luống dùng màng phủ nông nghiệp thì hố đào vừa túi bầu (khoảng 15 x 20 cm)
Mỗi hố cần: 5kg phân chuồng; 300g NPK (15-9-17+TE), 300g Supe lân, 250g bao hạt vàng, 200g vôi.
Lượng phân bón lót/100 cây (khoảng 500 m2):Phân chuồng: 500 kg; NPK (15-9-17 +TE): 30 kg; Supe lân: 30 kg; 25 kg bao hạt vàng; vôi: 20 kg
Kỹ thuật trồng: Lấp đất phủ qua phần cổ rễ, nén chặt xung quanh. Tưới nước, giữ ẩm.
4. Chăm sóc sau trồng:
- Cắm cây cọc: Thông thường đu đủ đều trồng thẳng, khi gặp gió bão phải cắm cọc chống gió, dùng 3 cây cọc cắm chéo hoặc 1 cây cọc cắm thẳng và cột chắc cây đu đủ vào cọc. Vào thời kỳ cây đậu trái nhiều mà gặp gió bão có thể chặt bớt một số lá già gần gốc, để giảm bớt sức cản gió, chống đổ ngã hoặc gãy.
- Tỉa cành và hái trái: Sau khi xuống giống, nếu trên thân chính mọc ra nhánh con phải ngắt bỏ sớm. Vào thời kỳ đậu trái phải hái bỏ kịp thời những trái bị méo, bị sâu bệnh, những lá già héo chết phải ngắt bỏ luôn cuống lá.
- Bón phân thúc: Cây đu đủ ra hoa đậu trái quanh năm, cần bón bổ sung phân cho cây để cây có thể đậu trái liên tục.
- Sau đây là lượng phân bón dùng cho cây 1 năm: 0,4 - 0,5 kg urê + 0,5 - 1 kg supe lân + 0,2 - 0,3 kg kali sulfat (hoặc kali clorua) + 0,2 - 0,4 Canxinit hoặc Nitra bo.
- Cách bón phân
Lần 1: Sau trồng 1,5-2 tháng, bón 1/3 đạm + 1/3 lân.
Lần 2: khi cây ra hoa, bón 1/3 đạm + 1/3 lân + 1/2 kali + 1/2 Canxinit hoặc Nitra bo.Lần 3: Khi thu quả lứa đầu (sau trồng 6-7 tháng) bón hết đạm, lân, kali , Canxinit hoặc Nitra bo còn lại.
Cây 2 năm: Phân chuồng 5 – 10 kg + 0,3 - 0,4 kg urê + 0,5 – 1 kg supe lân + 0,3-0,4 kg kali sulfat (hoặc kali clorua).Có thể qui ra phân NPK (15-9-17) +TE chuyên dùng cho rau ăn quả của C.ty phân bón Năm Sao) để bón thúc cho đu đủ.
Ghi chú: Ở những vùng đất thiếu Borax, cứ 100 cây đu đủ bón 0,25 – 0,5kg Borax.
5/ Phòng trừ sâu bệnh
a/ Bệnh khảm: do côn trùng chích hút truyền nhiễm: nhện đỏ, rệp…
Mặt luống trồng phủ màng phủ nông nghiệp có thể hạn chế rệp.Chăm sóc quản lý để cây đu đủ phát triển khỏe và nhanh, tăng cường sức kháng bệnh.
Vệ sinh vườn, phun các loại thuốc trừ côn trùng môi giới gây bệnh. Bệnh nặng phải hủy bỏ cây
b/ Nhện đỏ: Phun thuốc Ortus, Silsau, comite, Danitol, Kelthane…
c/ Rệp, rầy: Vệ sinh vườn, phun các loại thuốc: Supracide, Regent, …
6/ Thu hoạch:
Khi quả đã có vệt vàng trên vỏ quả (sau khoảng 2-3 tháng sau khi ra hoa).
Xem thêm
THÔNG TIN LIÊN HỆ
HỆ THỐNG CỬA HÀNG VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO XUÂN NÔNG
Cửa hàng: 352C Đường 30/4, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, Tp.Cần Thơ
Hotline: 0901 087 973 hoặc 0889 008 222 (zalo)